PHƯƠNG PHÁP AN TOÀN SINH HỌC TRONG TRANG TRẠI CHĂN NUÔI

An toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi là các biện pháp (bao gồm cả kỹ thuật và quản lý) nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái.

     Phần 1: Quản Lý Vật Nuôi Mới Nhập Trại - Ngăn Ngừa Sự Xâm Nhập Của Dịch Bệnh

     Để ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm lây lan và phát tán trong các trang trại cần thực hiện tốt các giải pháp:

➖ Ngăn ngừa sự xâm nhập của dịch bệnh

➖ Ngăn ngừa sự phát tán của mầm bệnh

➖ Ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh

    Bệnh truyền nhiễm thường lan truyền trực tiếp từ con vật mang mầm bệnh sang con vật chưa mắc bệnh. Có 3 chỉ dẫn chung để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào trại khi có lứa vật nuôi mới:

    a. Đóng kín đàn vật nuôi

    Để đảm bảo tốt an toàn sinh học trong trang trại nuôi cần áp dụng các nguyên tắc chung sau:

  • Sử dụng vật nuôi sinh trưởng trong trại hoặc hệ thống chăn nuôi của trang trại, công ty để duy trì và phát triển quy mô chăn nuôi

  • Không cho vật nuôi tiếp xúc "qua hàng rào" với động vật bên ngoài.

  • Không cho con đực từ ngoài vào để giao phối.

  • Không đưa vật nuôi ra ngoài trại rồi lại đưa vào trại.

  • Không nuôi hỗn độn nhiều lứa, nhiều giống và vật nuôi có nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng chuồng, dãy.

  • Trong cùng một ngăn, một dãy cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "cùng nhập, cùng xuất", không nuôi gối đầu, luân chuyển trong một khu chuồng.

     b. Cách ly vật nuôi mới nhập trại

     Việc nuôi cách ly lứa vật nuôi mới nhập trại là điều bắt buộc, cần thực hiện các việc sau:

  • Sử dụng chuồng nuôi, hệ thống cấp thức ăn, người chăm sóc riêng biệt để nuôi lứa mới ở chuồng cách ly

  • Không cho vật nuôi cũ và mới tiếp xúc nhau.

  • Chất thải đàn vật nuôi mới nhập không được đưa qua khu vực nuôi chung.

  • Nuôi cách ly đủ thời gian cần thiết tối thiểu 21 ngày và theo dõi mọi biểu hiện của bệnh dịch.

  • Khám, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra bệnh dịch trước khi thả lứa mới vào chuồng nuôi chung.

     c. Biết rõ nguồn gốc lứa mới và qua kiểm tra Thú Y

     Cần biết rõ lai lịch của lứa mới: heo xuất phát từ trại nào, ở khu vực nào có phù hợp dịch tễ hay không, phân bổ heo cần theo bản đồ di chuyển heo của hệ thống, nguồn gốc chất lượng giống như thế nào,...

     Tình trạng bệnh dịch của trại xuất và các loại vacxin đã được tiêm vào đàn heo cần được cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ để trại tiếp nhận có phương án chăm sóc, điều trị hợp lý, đồng thời tiêm phòng bổ sung các loại vacxin chưa được tiêm theo quy trình.

     Phần 2: Kiểm Soát Các Nhân Tố Trung Gian Truyền Bệnh – Ngăn Ngừa Dịch Bệnh Phát Tán

     Các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... có thể được mang theo từ người và các loại động vật khác vào trại và trong điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và phát tán trong khắp trại. Cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm soát chim chóc, loại bỏ tất cả các lỗ, hốc nhỏ chim có thể làm tổ

  • Kiểm soát loài gặm nhấm, chuột và chó, mèo đến gần chuồng trại hoặc gặm nhấm thức ăn chăn nuôi.

  • Kiểm soát phương tiện chuyên chở trong trại

  • Kiểm soát thức ăn và nước cho vật nuôi ăn

  • Kiểm soát dụng cụ chăn nuôi, đảm bảo rửa sạch và khử trùng trước và sau khi sử dụng.

  • Kiểm soát người ra vào chuồng trại bao gồm khách lạ và nhân viên.

 

 

Đăng ký trực tuyến

Sơ đồ đường đi