Ngành thú y Việt Nam 60 năm phát triển và hội nhập

Trong quá trình xây dựng đất nước, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm đến ngành thú y, bởi ngành không những góp phần bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói, giảm nghèo, mà còn bảo vệ sức khỏe con người thông qua việc phòng trừ dịch bệnh từ động vật lây sang người và bảo đảm an toàn thực phẩm.

>> Đăng ký học ngành Thú Y đại học chính quy Hà Nội

>> Ký kết hợp tác giữa đại học đông đô và công ty FPCB Hà Quốc

Ngành Thú Y Việt Nam là một trong những ngành khoa học sớm ở nước ta, phát triển không ngừng từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngành Thú Y do Bộ Canh nông quản lý. Ngày 11-7-1950, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 125 SL: Ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc. Ðây là văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác Thú Y, đánh dấu mốc lịch sử phát triển của Thú Y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về Thú Y hiện nay.

Sáu mươi năm là một chặng đường ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Thú Y vào sự phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Ðồng hành với nông dân, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong thời kỳ đổi mới, các thế hệ cán bộ Thú Y đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch, môi trường sinh thái an toàn, bảo vệ sức khỏe con người. Ðặc biệt phải kể đến thành tựu trong việc thanh toán, loại trừ được các bệnh nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho "đầu ra" của hàng nông sản và phát triển thương mại quốc tế. Các loại bệnh: dịch tả trâu bò được thanh toán (OIE công nhận vào năm 2003); bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng căn bản được khống chế, và mới đây Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (bệnh tai xanh) cũng dần được kiểm soát. Các bệnh khác như nhiệt thán, bệnh dại, dịch tả lợn, tụ huyết trùng... vẫn còn xảy ra nhưng không thành dịch lớn. Với thủy sản, đã thực hiện thành công việc chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh sữa ở tôm hùm, bệnh gan thận mủ ở cá tra, bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi (MBV) ở tôm; nghiên cứu phòng trừ các bệnh vi-rút hoại tử thần kinh và lở loét do vi khuẩn gây ra.

Công tác chẩn đoán từng bước được cải thiện, ngoài Trung tâm Chẩn đoán Thú Y Trung ương, cả nước còn có sáu phòng chẩn đoán xét nghiệm của sáu cơ quan Thú Y vùng và phòng chẩn đoán của một số chi cục Thú Y tạo thành mạng lưới phòng thí nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật và chia sẻ thông tin qua mạng điện tử (Labnet). Việc áp dụng công nghệ tiên tiến (kỹ thuật ELISA, PCR,  Realtime PCR) trong chẩn đoán đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Vừa qua, đoàn đánh giá năng lực ngành Thú Y của Tổ chức Thú Y Thế giới (OIE) đã xếp năng lực chẩn đoán của Thú Y Việt Nam ở bậc 5 là bậc cao nhất có đủ khả năng chẩn đoán phát hiện những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh mới.

Vấn đề nâng cao năng lực của ngành Thú Y cần phải gắn với công tác giáo dục - đào tạo. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo chiều hướng số lượng đi đôi với chất lượng ngày càng được quan tâm. Ðể cung cấp lực lượng cán bộ Thú Y có chất lượng cho ngành, chín Đại học ngành thú y trong cả nước hằng năm đã đào tạo hàng nghìn bác sĩ Thú Y, kỹ sư chăn nuôi Thú Y, thủy sản. Các trường trung cấp nông nghiệp trung ương và các tỉnh mỗi năm bổ sung hàng nghìn cán bộ trung cấp, Thú Y viên cho các địa phương. Ðến nay, hệ thống ngành Thú Y được thiết lập ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với đội ngũ cán bộ Thú Y ngày càng phát triển vững mạnh. Họ là những con người miệt mài nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lao động, sản xuất trên mọi miền đất nước, đặc biệt là anh chị em làm công tác Thú Y ở phường, xã, thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19-10-2007 về việc hỗ trợ đối với nhân viên Thú Y cấp xã, theo đó đồng ý nguyên tắc để các địa phương thực hiện hỗ trợ cho nhân viên Thú Y cấp xã bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu hiện hành, đến nay cả nước đã có hơn 50 tỉnh có chế độ cho Thú Y xã, thôn. Bên cạnh đó, ngày 21-1-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BNN quy định Thú Y viên ở xã có 11 nhiệm vụ về Thú Y và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ðóng góp một phần không nhỏ vào việc ngăn chặn dịch bệnh động vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước là hệ thống kiểm dịch. Ðến nay, cả nước đã có 48 trạm kiểm dịch cửa khẩu và khoảng 60 trạm/chốt kiểm dịch nội địa, chưa kể tới các chốt được thành lập khi có dịch. Thời gian vừa qua, kiểm dịch động vật xuất, nhập khẩu đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào như bệnh sảy thai truyền nhiễm, PRRS ở đàn lợn nhập nội. Gần đây, việc hướng dẫn kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, việc quá cảnh, chuyển khẩu đã được thực hiện qua mạng điện tử, tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho các doanh nghiệp.

Việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, kiểm soát chất lượng thịt tiêu thụ trên thị trường đã được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước: TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Ðác Lắc, Long An... Hệ thống kiểm tra vệ sinh Thú Y được thiết lập góp phần vào chương trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; các phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh Thú Y Trung ương I và II đạt được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có khả năng phân tích chất tồn dư trong thực phẩm.

Vấn đề quản lý thuốc Thú Y, một lĩnh vực còn mới mẻ của ngành, qua hơn 10 năm hoạt động đã đạt được nhiều tiến bộ. Các văn bản hướng dẫn về quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm thuốc Thú Y đạt ba tiêu chí: chất lượng, an toàn và hiệu lực đã phục vụ đắc lực và kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh và  bảo đảm ATVSTP. Ðến nay, cả nước đã có hơn 100 nhà sản xuất thuốc Thú Y với hơn 5.000 sản phẩm, đáp ứng hơn 80% nhu cầu thuốc phòng trị bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động. Cả nước đã có chín doanh nghiệp được cấp chứng chỉ GMP trong sản xuất thuốc Thú Y, tiếp theo đó là  hai doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy mới cũng theo tiêu chuẩn này và sáu doanh nghiệp nữa cũng đang có nhu cầu cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất theo GMP. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 đã được áp dụng ở 18 nhà máy. Nhiều nhà máy đang phấn đấu đạt cả ba tiêu chí: GMP ( thực hành sản xuất tốt), GLP (thực hành kiểm nghiệm tốt), GSP (thực hành bảo quản tốt) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, còn có gần 200 nhà sản xuất của 35 quốc gia đăng ký lưu hành gần 1.800 sản phẩm thuốc Thú Y tại Việt Nam. Mạng lưới kinh doanh thuốc Thú Y cũng phát triển rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng kịp thời thuốc phòng trị bệnh động vật phục vụ chăn nuôi.

Các nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong Thú Y được đặc biệt chú trọng, một hệ thống nghiên cứu khoa học Thú Y được xây dựng mà nòng cốt là Viện Thú Y quốc gia, cùng với Phân viện Thú Y miền Ttrung và các trung tâm kỹ thuật thuộc Cục Thú Y, các phòng nghiên cứu của các khoa chăn nuôi Thú Y, trong các Đại học ngành thú y nông nghiệp trên cả nước. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được thực hiện và ứng dụng có hiệu quả, nhiều vắc-xin mới được đưa vào sản xuất, rất nhiều công nghệ đã và đang chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Bằng các kết quả này, ngành đã đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Trong nhiều năm qua,  nhờ sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, sự chỉ đạo và lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự giúp đỡ của các Bộ, các cấp, các ngành, ngành Thú Y Việt Nam đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ chức Thú Y Thế giới (OIE), tiến sĩ  Béc-na Va-lát,  đã ca ngợi sự phát triển của Thú Y Việt Nam, ông  cho rằng, Việt Nam là một tấm gương cho các nước đang phát triển trong quá trình thực hiện Hiệp định "Áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật" (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)  về sự minh bạch và tiến bộ.

Ðặc biệt tại Ðại hội thường niên lần thứ 78 của OIE ( năm 2010) tổ chức tại Pa-ri (Pháp), Việt Nam đã ký bản thỏa thuận với OIE về việc OIE tiếp tục giúp đỡ Thú Y Việt Nam xây dựng Luật Thú Y, đồng thời OIE ghi nhận công lao đóng góp của Thú Y Việt Nam trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật thế giới.

Là thành viên của Tổ chức Thú Y Thế giới (OIE), ngành Thú Y Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của OIE cũng như các tổ chức quốc tế khác, như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU)... Thú Y Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ quý báu của các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Niu Di-lân... tăng cường năng lực cho ngành cũng như tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.  Ngoài ra, ngành cũng tăng cường hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật trong nước, ngành Thú Y nước ta đã đóng góp một phần vào việc nâng cao năng lực chẩn đoán của một số nước Ðông - Nam Á như  đào tạo chẩn đoán bệnh cúm gia cầm, tai xanh... đã tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm giúp chẩn đoán dịch bệnh gia súc, gia cầm cho nước CHDCND Lào và cử nhiều đoàn sang giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia trong công tác đào tạo, chẩn đoán và xét nghiệm. Ngoài ra, ngành cũng đã giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn công tác Thú Y các nước như Ai Cập, In-đô-nê-xi-a, Ðông Ti-mo, Băng-la-đét, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Thái-lan... đến học tập kinh nghiệm phòng, chống dịch cúm gia cầm của Việt Nam. Ðến nay, đã có 16 Hiệp định và Bản Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Thú Y được ký giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Do những thành tích đã đạt được trong suốt chặng đường qua mà nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được tặng những phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước.

Đăng ký trực tuyến

Sơ đồ đường đi